TỪ VỰNG THẤN HỌC THÁNH KINH: BÀN THỜ
Trong tất cả tôn giáo, bàn thờ là trung tâm hiến lễ phụng tự (tiếng Do Thái zabah= hy sinh, gốc từ mizbeah=bàn thờ). Bàn thờ là dấu chỉ hiện diện của Thiên Chúa; Môisen ắt hẳn phải tin như thế khi ông rảy nửa phần máu tế phẩm lên bàn thờ và nửa kia rảy lên dân chúng cũng đang kết hiệp với Thiên Chúa (Xh 24,6). Thánh Phaolô cũng nói: “những ai ăn các tế phẩm chẳng phải họ không kết hiệp với bàn thờ sao?” (1Cr 10,18). Với hiến tế hoàn hảo, dấu chỉ được thay thế bằng thực tế: Đức Kitô vừa là tư tế, vừa là hiến tế và bàn thờ.
1. Từ bia tưởng niệm đến nơi thờ kính.
Về nguồn gốc, nếu con người xây dựng một bàn thờ thì tức là để đáp lại Thiên Chúa Đấng đã đến thăm họ; đó là điều được nói đến qua công thức cử hành thường gặp của các bậc trưởng lão: “Ông dựng một bàn thờ để kính Giavê và ông kêu cầu Danh Ngài” (St 12,7; 13,18; 26,25). Trước khi trở thành nơi người ta dâng hiến tế, bàn thờ đã là bia tưởng nhớ đến đặc ân của Thiên Chúa; bằng chứng là những danh xưng tượng trưng đặt cho các bàn thờ này (St 33,20; 35,1-7; Tl 6,24). Tuy nhiên bàn thờ cũng đã từng là nơi diễn ra các nghi thức rảy nước và hiến tế. Nếu ban đầu người ta có thể hài lòng về những núi đá ít nhiều được biến đổi thích hợp (Tl 6,20; 13,19), thì họ bận tâm xây dựng một bàn thờ bằng đất nện hay bằng đá thô, dĩ nhiên to lớn nhưng phù hợp với mục đích của họ hơn (Xh 20,24).
Đối với con cháu của các bậc trưởng lão, nơi thờ kính thường làm sao cho có nhiều giá trị hơn là ký ức về sự hiện ra của Thiên Chúa mà nhờ đó mới có nơi thờ này. Vị giáo trưởng của nơi tưởng niệm này tỏ cho biết rằng người ta thường chọn những nơi thờ kính xưa ở vùng đất Ca-na: như Béthel (Bêt-ên) (St 35,7) hay Sichem (Si-khem) (33,19) và trễ hơn như Gilgal (Gi-gan) (Gs 4,20) hay Giêrusalem (Tl 19,10). Thật vậy, khi vào vùng đất Canan, dân được chọn đứng trước các bàn thờ của dân ngoại mà Lề Luật buộc họ phải phá hủy không thương tiếc (Xh 34,13; Đnl 7,5; Ds 33,52); và do đó mà Gédéon (Giê-đê-ông) (Tl 6,25-32) hay Jéhu (Giê-hu) (2 V 10,27) đã phá hủy các bàn thờ của Baal (Ba-an). Tuy thông thường người ta hài lòng “rửa tội” cho những nơi cao nhất bằng các hoa màu của họ.
Ở giai đoạn này, bàn thờ có thể góp phần vào sự suy thoái tôn giáo dưới danh nghĩa kép: quên rằng nó chỉ là dấu chỉ để đến với Thiên Chúa sự sống, đồng hóa Đức Chúa với các tượng thần. Thật vậy, Salomon đã mở đầu một triều đại bao dung với các tượng thần do những người vợ ngoại quốc của ông đem đến (1V 11,7). Achab cũng hành động tương tự (1V 16,32), còn Achaz (A-ka) và Manassé (Ma-na-sê) thì giới thiệu trong Đền Thờ những bàn thờ theo mẫu của dân ngoại (2 V 16,10-16; 21,5). Về phần mình, các tiên tri đã phản đối kịch liệt việc xây cất nhiều bàn thờ (Am 2,8; Hs 8,11; Gr 3,6).
2. Bàn thờ của Đền Thờ Giêrusalem duy nhất
Phương thuốc được dùng để chữa trị tình trạng này là tập trung việc thờ kính ở Giêrusalem (2V 23,8; 1V 8,63). Bàn thờ dâng lễ toàn thiêu từ đó trở đi đã tạo nên đời sống tín ngưỡng của Israel, và nhiều bài thánh vịnh đã chứng tỏ rằng bàn thờ giữ một vị trí quan trọng đối với các tín đồ (Tv 26,6; 43,4; 84,4; 118,27). Khi tiên tri Ê-dê-ki-en mô tả đền thờ tương lai, thì bàn thờ là đối tượng mô tả tỉ mỉ nhất (Ed 43,13-17) và luật tư tế liên quan đến nó được gán cho Môisen (Xh 27,1-8; Lv 1-7). Các góc bàn thờ, được đề cập đến từ lâu như là nơi ẩn náu (1V 1,50; 2,28), giữ một tầm quan trọng lớn: chúng thường được vảy máu thay cho nghi thức đền tội (Lv 16,18; Xh 30,10). Những nghi thức này chỉ rõ rằng bàn thờ biểu trưng cho sự hiện diện của Giavê.
Cùng lúc, những chức năng tư tế cũng được xác định: các tư tế trở thành thừa tác viên chuyên lo việc bàn thờ, trong khi các thầy Lêvi đảm nhận việc trông coi vật dụng (Ds 3,6-10). Nhà chép sử biên niên vốn nhấn mạnh đến tục lệ này (1 Sb 6,48), đã đặt câu chuyện của vị vua hợp với những miêu tả đó (2 Sb 26,16-20; 29,18-36; 35,7-18).Cuối cùng, dấu hiệu lòng sùng kính đối với bàn thờ, đó là đoàn người đầu tiên lưu đầy trở về tha thiết xây dựng ngay lúc ấy bàn thờ dâng lễ toàn thiêu (Er 3,3) và Judas Maccabée (Giuđa Mac-ca-bê) sau đó bày tỏ lòng sùng đạo như vậy (1 Mcb 4,44-59).
3. Từ dấu chỉ đến thực tại
Đối với Đức Giêsu, bàn thờ còn lưu giữ sự thánh thiêng, nhưng vì lẽ đó mà nó có nghĩa. Đức Giêsu đã nhắc lại ý nghĩa này vốn đã bị xóa mờ bởi thói biện luận của người Pharisiêu (Mt 23,18) và bị coi thường trong thực tế: đến gần bàn thờ để hiến tế chính là đến gần Thiên Chúa; người ta không thể làm điều đó với một tâm hồn giận dữ (5,23).
Đức Kitô không chỉ đưa ra ý nghĩa đích thực của việc thờ kính xưa mà Ngài còn chấm dứt việc đó luôn. Trong ngôi Đền Thờ mới là thân xác của Ngài (Gn 2,21), không còn bàn thờ nào khác ngoài chính Ngài (Dt 13,10). Vì chính bàn thờ thánh hóa lễ vật (Mt 23,19); nên khi Ngài tự hiến mình, lễ vật toàn vẹn, thì chính Ngài được thánh hóa (Gn 17,19); Ngài vừa là tư tế vừa là bàn thờ. Cũng thế, thông phần vào mình và máu Chúa, đó là tham dự bàn thờ là chính Chúa, là chia sẻ bàn tiệc với Ngài (1 Cr 10,16-21)
Bàn thờ tuyệt trần mà sách Khải Huyền nói đến và những vị tử đạo (Kh 6,9) thì ở dưới đó, bàn thờ bằng vàng mà lửa của nó tỏa ra nghi ngút hương hướng về Thiên Chúa để hiệp nhất lời cầu nguyện của các thánh (8,3), bàn thờ ấy là một biểu tượng chỉ rõ Đức Kitô và bổ sung tính biểu tượng của Con Chiên. Đó là bàn thờ duy nhất chỉ dành cho lễ hiến tế mà mùi hương của nó tỏa bay trước nhan Chúa; đó là bàn thờ tuyệt trần mà Sách Lễ nói tới và trên bàn thờ đó bày các lễ vật của Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa, hiệp với của lễ duy nhất và toàn vẹn của Đức Kitô (Dt 10,14). Từ bàn thờ này, những bàn thờ bằng đá của chúng ta chỉ còn là những hình ảnh, điều mà Đức Giáo Hoàng diễn tả khi nói đến: “bàn thờ, đó chính là Đức Kitô.
Tác giả Nguyễn Trí Dũng
NGUỒN : dunglac.org