CÁNH CHUNG LUẬN

(Thời sự Thần học – Số 1, tr.58-64) 

Kim Thao 

Tiếng "cánh chung luận" (eschatologia) nói được là mới xuất hiện trong Thần Học Công Giáo, bàn về cứu cánh và chung cục của lịch sử nhân loại và vũ trụ. Trước đây, nó thường được gọi là "De novissimis", hoặc là "tứ chung: bốn sự sau hết". 

NGÀY PHÁN XÉT - tk. 15 (Fra Angelico, O.P.)
Thực ra, đàng sau việc thay đổi danh từ là cả một sự biến chuyển về nội dung và phương pháp. Hans Urs von Balthasar đã có lần viết cách dí dỏm như sau: vào hồi thế kỷ 19, Troelsch nói rằng sở cánh chung thường đóng cửa vì thiếu việc làm; nhưng từ thế kỷ này, nó phải làm thêm giờ phụ trội." Tại sao có sự thay đổi như vậy?
Rất nhiều yếu tố đã đòi hỏi phải duyệt lại những sách viết về cánh chung. Ta có thể tóm lại như sau: 1) khắc khoải thời đại; 2) đối thoại đại kết; 3) trở về nguồn Kinh Thánh. 

1/ Khắc khoải thời đại. Con người thời đại muốn kế hoạch hóa tất cả: từ những chuyện làm ăn buôn bán, cho đến vận mạng của cá nhân và cộng đồng. Trong quá khứ, hai trào lưu tư tưởng quả quyết rằng đã tìm thấy chìa khóa giải quyết hạnh phúc tương lai. Một đàng là những nhà khoa học cho rằng những phát minh khoa học kỹ thuật dần dần sẽ tạo ra hạnh phúc cho con người. đàng khác là những chủ thuyết xã hội chủ trương rằng những cuộc cách mạng xã hội dần dần sẽ thực hiện được công bằng, cơm no áo ấm cho toàn dân. Thế nhưng, người ta thấy hai lời hứa ấy đều hão huyền. 

Những phát minh khoa học không làm cho con người hạnh phúc, nhưng còn đe dọa sự tiêu diệt nhân loại với những vấn đề ô nhiễm môi sinh; các cuộc cách mạng xã hội chỉ đưa con người đến chỗ bần cùng hơn. Thế thì con người phải tìm đâu ra niềm hy vọng? Thần học về cánh chung phải trình bày một lẽ hy vọng cho con người, chứ không phải chỉ bàn về tận thế. 

2/ đối thoại đại kết Sự thay đổi của thần học về cánh chung bắt đầu từ thần học Cải Cách vào hồi đầu thế kỷ này, theo đó sự cánh chung là trung tâm của sứ điệp của đức Ki-tô khi nói về Nước Trời, chứ không phải chỉ là một hồi kết thúc. Karl Barth khẳng định rằng tất cả Ki-tô giáo là cánh chung; bỏ cánh chung đi thì Ki-tô giáo cũng tiêu tùng. Tuy nhiên, theo Barth và sau đó R.Bultmann, cánh chung có nghĩa là sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa, nó không lệ thuộc thời gian hay lịch sử. định mạng cánh chung của con người tùy thuộc vào quyết định cấp nhận đức tin ngay từ bây giờ. Thực ra Barth đã muốn phản ứng lại khuynh hướng tự do của thế kỷ 19, cho rằng đức Giê-su lầm tưởng rằng ngày tận thế đã gần kề, và do đó không đáng cho ta để ý nữa. Giữa hai chủ trương cực đoan của Barth và phái tự do, có Cullmann (và gần đây, Moltmann và Pannenberg) đã cố gắng xác định lại nội dung sứ điệp cánh chung trong Tân Ước, và từ đó họ nêu bật khía cạnh hy vọng của Ki-tô giáo. 

3/ Việc chú giải Kinh Thánh. Như đã có lần nói, thần học sau Công đồng Va-ti-ca-nô II lấy Kinh Thánh làm nền tảng. Thần học phải cố gắng khám phá ra tư tưởng của Kinh Thánh, chứ không thể dùng Kinh Thánh để chứng minh cho các kết luận thần học, như thói quen trước đây. 

Trong vấn đề cánh chung, việc khảo sát Kinh Thánh bắt buộc không những phải xét về những chủ trương của phái Tin Lành nói trên đây, nhưng đòi hỏi phải duyệt lại rất nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn, vấn đề ngôn ngữ: khi nói "lửa" trong hỏa ngục, thì phải hiểu theo nghĩa nào (nghĩa đen hay nghĩa bóng). Muốn trả lời cho câu hỏi đó, người ta phải trở về với văn chương thời đại các thánh sử, để xem vào thời đại đó, lửa có mang tính cách biểu tượng cho thực tại gì? đặc biệt là người ta đã để ý đến thể văn "thế mạt" (apocalyptique) rất phổ thông ở Palestine, trong đó người ta hay dùng những hình ảnh long trời lở đất để diễn tả những biến cố Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử cứu độ. Ngoài vấn đề tìm hiểu từ ngữ và hình ảnh dùng trong Kinh Thánh, một vấn đề khác khá hóc búa khi bàn về cánh chung học là quan điểm về cấu tạo con người. 

Theo triết học Hy Lạp, con người gồm bởi hồn với xác; khi chết thì xác trở về với bụi tro, còn hồn thì bất tử. Thế nhưng quan niệm Do thái thì khác: con người là một toàn bộ; nhục thể và thần khí không phải là hai yếu tố cấu tạo nên con người, nhưng là hai chiều kích của con người: nhục thể ám chỉ tính cách dòn mỏng của con người, còn thần khí ám chỉ chiều kích tương quan với Thiên Chúa. 

Thế nên, theo quan niệm Do thái, chết là chết tất cả con người; và sự sống lại cũng bao gồm tất cả con người, chứ không thể quan niệm rằng chỉ có thể xác mới chết còn hồn thì bất diệt. 

Những yếu tố ấy đã mang lại những thay đổi về đường hướng cũng như về nội dung của cánh chung luận. 

I. Về đường hướng khảo cứu và trình bày

A. Bàn về cánh chung là bàn về một biến cố cứu độ của Tin mừng hy vọng, chứ không phải là một thứ đe dọa những hình phạt. Biến cố cứu độ chính là đức Ki-tô. Vì thế người ta phân biệt "eschatos" (đấng cánh chung), và "eschata" (những sự cánh chung). đức Ki-tô là eschatos: Ngài đã được sai đến vào thời viên mãn, để ban cho con người điều mà con người mơ ước nhất tức là hạnh phúc. 

Với sự Nhập thể và Phục sinh của Ngài, thời cánh chung đã khai mào, công cuộc canh tân và đổi mới vũ trụ và nhân loại đã bắt đầu, chỉ còn chờ lúc kết thúc. đức Ki-tô là khởi điểm của cánh chung, đồng thời cũng là trung tâm và chung cục nữa, xét vì sự phục sinh của chúng ta sẽ diễn ra vào ngày đức Ki-tô đến, để đưa chúng ta vào thông dự sự phục sinh của Ngài, và chúng ta sẽ vào chia sẻ vinh quang với Ngài mãi mãi. 

Do đó, cách chung luận sẽ bớt tính cách vật lý, nhưng nặng tính cách nhân bản hơn. Bớt tính cách vật lý, nghĩa là bớt đi những lý thuyết về thời hạn, nơi chốn và hình thức của thiên đàng, hỏa ngục; xét vì ngôn ngữ của Kinh Thánh trong lãnh vực này mang tính chất biểu tượng, nặng tính cách nhân bản có nghĩa là chú trọng vào đức Ki-tô, nguyên ủy và trọng tâm của cánh chung. 

B. Cánh chung không phải chỉ là một chương chót của thần học, nhưng là một chiều kích của toàn thể thần học, đặc biệt là Ki-tô học, Giáo Hội học, Bí tích và phụng vụ. 

1) Thực vậy, như đã nói trên không những đức Ki-tô đã loan báo Nước Trời đã gần kề, nhưng nơi sự Phục sinh của Ngài mà thực tại cánh chung khai mào: sự toàn thắng cái chết và mọi sự dữ khác. 

2) Giáo Hội là một thực tại cánh chung, theo nghĩa là Hội Thánh mang trong mình những mầm mống của Nước Trời mà đức Ki-tô đã thực hiện; và đồng thời Hội Thánh cùng mang niềm khắc khoải được kết hiệp vĩnh viễn với đức Ki-tô khi Ngài đến. đây là chiều hướng mà Công đồng Va-ti-ca-nô II đã trình bày trong chương 7 của hiến chế về Hội Thánh. 

3) Tính cách cánh chung của các bí tích có nghĩa là sự kết hiệp cách bí nhiệm với đức Ki-tô trong các bí tích nói lên lòng khao khát được sống với Ngài diện đối diện. Tất cả đều xoay quanh một trọng tâm là đức Ki-tô. 

4) Chính lòng trông mong khao khát được gặp Chúa sẽ tạo ra chiều kích cánh chung cho luân lý và tu đức học. Thực vậy, Thiên Chúa mà chúng ta mong đợi không phải là Thẩm phán khắc nghiệt nhưng là người Cha nhân lành, tột điểm của hạnh phúc con người. đức Ki-tô mà chúng ta mong đợi sẽ kết hiệp vĩnh viễn thì ngày nay đang hiện diện trong các bí tích và trong các người nghèo khổ. Thế giới tương lai mà chúng ta mong chờ tùy thuộc một phần nào vào những cố gắng hiện tại để xây dựng Nước Trời, bằng việc chống lại những hình thức tội lỗi bất công trong xã hội. 

II. Những vấn đề gai góc

Có thể nói rằng chiều hướng trình bày cánh chung học như vừa nói được hết mọi người chấp nhận. Thế nhưng khi bắt tay vào việc, nảy ra rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng, và có lẽ chẳng bao giờ sẽ được giải đáp. Ở đây chúng tôi chỉ nêu lên 5 vấn đề, và hy vọng sẽ trở lại chi tiết vào những dịp khác. 

A. Ngôn ngữ. Việc trình bày những thực tại thần linh không phải là dễ. Chúng tôi đã nói qua nên đây sự khó khăn trong việc giải thích những biểu tượng về loại văn thế mạt trong Kinh Thánh. Kế đó, chúng ta còn phải cố gắng tìm cách chuyển dịch sang những biểu thị của thời đại chúng ta. Khó khăn lớn vấp phải là ngôn ngữ hình ảnh của chúng ta luôn bị giới hạn bởi chiều kích không gian và thời gian. Vì thế khó lòng hình dung được thế nào là "vĩnh viễn", "đời đời mãi mãi", "vô cùng vô tận"... 

B. Giữa thế giới tương lai và thế giới hiện tại có liên hệ gì không? Khi Kinh Thánh nói đến việc Chúa lập nên "trời mới đất mới", thì hiểu là Ngài sẽ hủy diệt hoàn toàn thế giới hiện tại để bắt đầu lại từ số không, hoặc sẽ duy trì phần nào của thế giới này. Công đồng Va-ti-ca-nô II, trong số 39 của Hiến Chế Vui mừng và Hy vọng có đả động đến câu hỏi này một cách rất dè dặt. 

C. Sự chết. Cái chết không phải chỉ là một hiện tượng sinh lý, nhưng nó mang ý nghĩa của cả cuộc đời. Theo vài thuyết triết học hiện sinh, cái chết biểu hiệu giới hạn của con người, cắt đứt mọi tương quan của con người với tha nhân và vũ trụ. Mặt khác cái chết cũng là tổng hợp cao điểm nhất của cuộc đời. Dù sao thì cái chết vẫn luôn mang theo một bí ẩn. 

Thần học cố gắng khám phá ý nghĩa của sự chết như tham dự vào cái chết của đức Ki-tô. Nhưng một số nhà thần học mạo hiểm hơn khi cho rằng vào lúc chết con người được cơ hội quyết định một lần cuối cùng (optio finalis), để chọn lựa hay phủ quyết đức Ki-tô. 

D. Thân xác sống lại. Thân xác sẽ sống lại như thế nào? Thánh Phao-lô đã nói là nó sẽ được biến đổi, chứ không hoàn toàn như bây giờ nữa. Tuy nhiên vấn đề gai góc ở chỗ giữa lúc chết và sống lại có còn gì không? Quan niệm linh hồn bất tử tách ra khỏi thân xác sau khi chết có hợp với Kinh Thánh hay không? 

Một số nhà thần học Tin Lành (Luther, Cullmann) nói rằng sau khi chết thì toàn thể con người sẽ vào trạng thái ngủ mê cho đến lúc phục sinh; trái lại một số nhà thần học Công Giáo cho rằng sự phục sinh (cả hồn và xác) diễn ra liền ngay sau khi chết (Rahner, Greshake). Có người khác thì đặt lại vấn đề cách triệt để hơn nữa: khi đã chết rồi, tức là con người bước sang thế giới bên kia, thì con người có bị lệ thuộc vào thời gian nữa hay không? họ có còn phải chờ đợi nôn nao như chúng ta hay không? 

E. Một vấn đề nữa được nêu lên là chỉ có một hay hai sự cánh chung? Thần học cổ truyền cho rằng sau khi chết thì con người sẽ bị phán xét, và lãnh nhận thưởng hay phạt ngay. Một số nhà thần học hiện đại quả quyết rằng Kinh Thánh nhấn mạnh đến sư phán xét chung vào lúc Chúa đến. Hậu nhiên, những tác giả này cũng không muốn nói đến giai đoạn luyện tội trước ngày phán xét chung nữa. Thần học của Chính Thống giáo và của Tin Lành không chấp nhận luyện tội. 

Chính những cuộc tranh luận và xét lại như vậy đã khiến cho một số tín hữu cảm thấy đức tin lung lay; vì vậy Bộ Giáo Lý đức Tin đã ban hành một văn kiện vào ngày 17/5/1979, xác định những gì thuộc về đức tin, và những gì lệ thuộc vào ngôn ngữ hình thức trình bày. 

Post a Comment

Previous Post Next Post