Chiên Thiên Chúa
Trong nhiều sách của Tân ước (Ga, Cv 1Pr và nhất là Kn), Đức Kitô được đồng nhất như là con chiên; đề tài này đến từ Cựu ước theo hai viễn cảnh riêng biệt.
1 Tôi tớ Giavê
Bị kẻ thù bắt hại, tiên tri Giê-rê-mi-a được ví như là “con chiên mà người ta đem đi giết” (Gr 11,19). Hình ảnh này sau đó được áp dụng với Tôi Tớ Giavê, Đấng khi chịu chết để chuộc lấy tội lỗi của dân Ngài, đã xuất hiện “như chiên bị dẫn đi làm thịt, như cừu câm nín trước người xén long và chẳng hề mở miệng” (Is 53,7). Bản văn này, trong khi nhấn mạnh đến sự hạ mình và nhẫn nhục của Tôi Tớ, đã loan báo rõ ràng số phận của Đấng Kitô, như lời Philippe giải thích cho viên hoạn quan của nữ hoàng Éthiopie (Ê-ti-ô-pi) (Cv 8,31.35). Các tác giả sách Tin Mừng dẫn lại chi tiết này khi họ nhấn mạnh rằng Đức Kitô “làm thinh” trước hội đồng Do Thái (Mt 26,63) và không trả lời Philatô (Ga 19,9). Có thể Gioan Tiền hô cũng loan báo điều này khi mà, theo sách Tin Mừng thứ 4, ông chỉ rõ Đức Giêsu như “Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian” (Ga 1,29;cf Is 53,7.12; Dt 9,28). Bản kinh thánh phổ thông, mà bản văn đã truyền lại trong Đây Chiên Thiên Chúa của Thánh lễ, thì nhấn mạnh đến sự gần gũi với Isaie đồng thời thay số ít bằng số nhiều “…. các tội trần gian”.
2. Chiên phục sinh
Khi Thiên Chúa quyết định giải phóng dân Ngài khỏi nô lệ người Ai Cập, Ngài đã truyền lệnh cho dân Do Thái là mỗi gia đình phải sát tế một con chiên “không bị tật, là con đực, không quá một tuổi” (Xh 12,5) , phải ăn nó buổi tối, và lấy máu bôi lên khung cửa nhà mình. Nhờ “dấu hiệu” này, họ sẽ được miễn trừ bởi Sứ Thần tiêu diệt đến để sát hại tất cả các con đầu lòng của người Ai Cập. Trong khi làm phong phú chủ đề nguyên thủy này, truyền thống Do thái về sau đã đem lại một giá trị cứu độ cho máu chiên: “nhờ máu của Giao ước cắt bì và nhờ máu của cuộc Vượt Qua, ta đã cứu ngươi thoát khỏi Ai Cập” (Pirque R.Eliezer, 29; cf Mekhilta về Xh 12). Chính nhờ máu của chiên phục sinh mà người Do Thái đã được chuộc khỏi ách nô lệ Ai Cập và họ đã có thể ngay lúc đó trở thành “dân tộc được thánh hiến”, “vương quốc tư tế” (Xh 19,6), được gắn kết với Thiên Chúa bằng một Giao ước và bị Luật Moisen chi phối.
Truyền thống của người Kitô hữu đã nhìn thấy nơi Đức Kitô “con chiên đích thực” phục sinh (dẫn nhập thánh lễ Phục sinh), và sứ mạng cứu độ của Ngài được mô tả cách đầy đủ trong giáo lý rửa tội nó là tài sản không hư mất theo thư thứ nhất của thánh Phêrô, và dựa vào đó các bản văn của thánh Gioan và thư gửi tín hữu Do Thái lập lại. Đức Giêsu là chiên (1Pr 1,19; Ga 1,29; Kn 5,6) không tì vết (Xh 12,5), nghĩa là không tội lỗi (1Pr 1,19; Ga 8,46; 1Ga 3,5; Dt 9,14), đã chuộc tội nhân loại bằng giá máu của Ngài (1Pr 1,18; Kn 5,9; Dt 9,12-15). Ngài cũng đã cứu chuộc họ từ “mặt đất” (Kn 14,3), từ thế giới xấu xa đã bị chìm đắm vào lối sống đồi bại sinh ra từ việc thờ cúng các tượng thần (1Pr 1,14.18; 4,2), để cho họ từ nay về sau có thể tránh khỏi tội lỗi (1Pr 2,5; Dt 9,14). Họ đã thoát khỏi bóng tối của tà giáo nhờ ánh sáng của vương quốc Thiên Chúa (1Pr 2,9): đó chính là nơi xuất hành tâm linh của họ. Nhờ máu của Chiên (Kn 12,11) đã chiến thắng Satan, mà biểu tượng là Pharaon, họ có thể hát vang “bài ca của Môisen và của Chiên” (Kn 15,3; 7,9. 14-17; cf Xh 15) ngợi khen sự giải thoát của họ.
Truyền thống này, vốn nhìn nơi Đức Kitô Con Chiên đích thực phục sinh, có từ thời kỳ đầu của Kitô giáo. Thánh Phaolô khuyến khích các tín hữu ở Côrintô sống như bánh không men, “tinh tuyền và chân thật”, vì “Đức Kitô, Đấng Phục sinh của chúng ta đã chịu hiến tế” (1Cr 5,7). Thánh nhân không nêu ra ở đây một lời dạy mới về Đức Kitô-Chiên Vượt Qua, ngài chỉ sử dụng đến những nghi thức phụng vụ truyền thống Lễ Vượt Qua của người Kitô hữu, trước khoảng năm 55-57, thời gian thư của các Tông đồ được viết. Nếu người ta tin vào niên đại của Tin Mừng thánh Gioan, sự kiện Đức Kitô chịu chết có lẽ đã tạo nên nền tảng của truyền thống này. Đức Giêsu bị kết án vào đêm mừng lễ Bánh Không Men (Ga 18,28; 19,14.31), tức buổi chiều ngày lễ Vượt Qua (19,14), cùng giờ, theo những quy định của Luật, người ta sát tế chiên ở Đền Thờ. Sau khi Ngài chết, người ta đã không đánh dập chân Ngài, như những người bị kết án khác (19,33), và thánh sử đã nhìn thấy nơi sự kiện này việc thực hiện một quy định lễ nghi liên quan đến chiên vượt qua. (19,36; cf Xh 12,46)
3. Con Chiên diệu vời
Khi giữ lại hoàn toàn chủ đề Đức Kitô-Con Chiên vượt qua (Kh,9), toàn bộ sách Khải Huyền đã nêu bật sự tương phản đầy xúc động giữa sự yếu đuối của Con Chiên bị hiến tế và sức mạnh mà niềm vui trên trời ban tặng cho Ngài. Là Chiên hy sinh cứu độ, Đức Kitô cùng lúc được xem như sư tử mà chiến thắng của nó đã giải phóng dân của Chúa khỏi sức mạnh giam cầm của cái ác (5,5; 12,11). Chia sẻ ngai Thiên Chúa lúc này (22,1-3), đón nhận cùng với Thiên Chúa sự thờ lạy của những người thánh thiện (5,8.13; 7,10), đó là sức mạnh được lãnh nhận từ trời. Chính Ngài thực hiện lệnh của Thiên Chúa chống lại những kẻ nghịch đạo (6,1…) và cơn giận của Ngài nhấn chìm họ trong nỗi kinh sợ (6,16); chính Ngài chỉ huy cuộc chiến tận thế chống lại những sức mạnh liên minh của cái ác, và chiến thắng của Ngài sẽ công nhận Ngài là “Vua các vua và Chúa các chúa” (17,14; 19,16…). Ngài sẽ chỉ tìm thấy vị ngọt đầu tiên khi hôn lễ Con Chiên với thành thánh Giêrusalem được cử hành, nó là biểu tượng Giáo hội (19,7.9; 21,9). Con Chiên sẽ trở thành người dẫn dắt những kẻ trung thành đến nguồn nước hằng sống của Tám Mối Phúc Thật diệu vời (7,17; cf 14,4).
GIAO ƯỚC
Thiên Chúa muốn dẫn con người đến một cuộc sống kết hiệp với Ngài. Ý tưởng này, vốn đặt nền tảng cho học thuyết cứu độ, được trình bày ở chủ đề về Giao Ước. Trong Cựu ước, chủ đề ấy chi phối toàn bộ tư tưởng tôn giáo, nhưng với thời gian người ta xem xét nó sâu rộng hơn. Trong Tân ước, chủ đề này đã đạt được một sự phong phú không đồng đều vì từ đây về nội dung nó có tất cả mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô.
Cựu ước
Trước khi quan tâm đến những mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa, giao ước (berith) thuộc về kinh nghiệm xã hội của con người. Những người này tự liên kết giữa họ với nhau bằng các quy ước hay khế ước. Thỏa thuận giữa các nhóm hay cá nhân bình đẳng họ muốn nương tựa nhau: đây là những giao ước hòa bình (St 14,13; 21,22; 26,28; 31,43; 1V 5,25; 15,19), giao ước huynh đệ (Am 1,9), các quy ước hữu nghị (1S 23,18), và hôn nhân ( Ml 2,14). Còn những hiệp ước bất bình đẳng, kẻ mạnh hứa bảo vệ người yếu, trong khi người này buộc phải phục vụ kẻ kia: ở Đông phương cổ đại thường thực hiện các quy định chư hầu, và lịch sử kinh thánh thì cung cấp nhiều ví dụ về việc này (Gs 9,11-15; 1S 11,1; 2S 3,12). Trong những trường hợp này, kẻ yếu thế có thể kêu gọi liên minh; nhưng kẻ mạnh chấp nhận điều đó theo hướng có lợi cho họ và áp đặt những điều kiện của họ (cf Ed 17,13). Việc ký kết điều ước được thực hiện tiếp sau một nghi thức mà tục lệ công nhận. Các bên cam kết bằng lời thề. Người ta xẻ làm hai các con vật và giữa mỗi phần người ta truyền đều đọc những lời nguyền chống lại những kẻ phản bội có thể xảy ra. (cf Gr 34,18). Cuối cùng họ xây một đài tưởng niệm: người ta trồng một cây hay dựng lên một hòn đá để từ lúc đó chúng sẽ là biểu chứng cho quy ước (St 21,33; 31,48). Đây là kinh nghiệm nền tảng mà bắt đầu từ đó Israel đã tự thể hiện mối liên hệ của nó với Thiên Chúa.
I. GIAO ƯỚC TRÊN NÚI SINAI
Đề tài về giao ước đã sớm được giới thiệu trong Cựu ước: nó là điểm khởi đầu của tất cả tư tưởng tôn giáo. Trên núi Sinai, dân được giải thoát đã đi vào giao ước với Giavê, và do vậy việc thờ kính Giavê đã trở thành quốc giáo của họ. Giao ước đang nói đến dĩ nhiên không phải là thỏa ước giữa những người bình đẳng; nó tương tự như những quy định chư hầu: với quyền tự do tuyệt đối, Giavê quyết định ký kết giao ước với Israel và Ngài áp đặt những điều kiện của Ngài. Tuy nhiên, sự so sánh không cần phải được đẩy đi quá xa, vì giao ước trên núi Sinai, thực tế là nó biểu lộ Thiên Chúa, là một loại giao ước riêng biệt: ngay từ đầu nó tỏ rõ khía cạnh thiết yếu của chương trình cứu độ.
1. Giao ước trong kế hoạch của Thiên Chúa
Từ hình ảnh bụi gai, Giavê đã bày tỏ chung cho Môisen tất cả Danh Ngài và kế hoạch của Ngài đối với Israel: Ngài muốn giải thoát Israel khỏi Ai Cập để đưa họ định cư trên đất Canaan (Xh 3,7-10,16), vì Israel là “dân của Ngài” (3,10) đồng thời Ngài muốn cho họ vùng đất Ngài đã hứa cho các Tổ phụ họ (cf St 12,7;13,15). Điều này đã giả định rằng, về phía Thiên Chúa, Israel là đối tượng tuyển chọn và nhận lãnh lời hứa. Sự xuất hành xảy đến sau đó xác nhận mặc khải của Horeb (Ô-rêp): trong khi giải phóng dân Ngài, Thiên Chúa chỉ cho thấy Ngài là Thầy và có thể áp đặt ý chí của Ngài; cũng thế, dân được giải phóng trả lời sự kiện này bằng đức tin của họ (Xh 14,31). Quan điểm này được thừa nhận, Thiên Chúa có thể ngay lúc này mặc khải kế hoạch giao ước của Ngài: “Nếu các người nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, các người là dân ta đặc chọn giữa muôn dân. Vì toàn thể trái đất là của Ta, nhưng các người, đối với Ta, các người sẽ là vương quốc của các tư tế và là một dân thánh.” (Xh 19,5). Những từ ngữ này nhấn mạnh đến tính nhưng không đối với sự chọn lựa của Chúa: Thiên Chúa đã chọn Israel không đòi hỏi họ phải xứng đáng (Đnl 9,4), bởi vì Ngài yêu nó và nó muốn giữ lời thế với các Tổ phụ (Đnl 7,6). Tách họ ra khỏi dân ngoại, Ngài đã dành cho họ cách không tính toán: Israel sẽ là dân Ngài, sẽ phục tùng Ngài bằng việc thờ kính, sẽ trở thành vương quốc của Ngài. Để đáp lại, Giavê cam kết giúp đỡ và bảo vệ Israel: Ngài đã chẳng phải, từ khi xuất hành “mang họ trên đôi cánh chim kền và đưa họ về với Ngài” (Xh 19,4)? Và hiện giờ, đối diện với tương lai, Ngài làm mới lại những lời Ngài hứa với họ: Thiên Thần của Giavê sẽ đi trước họ để giúp họ dễ dàng đến miền đất hứa; ở đó Thiên Chúa sẽ đổ tràn chúc phúc trên họ và bảo đảm sự sống và hòa bình cho họ (Xh 23,20-31). Do vậy giao ước chi phối toàn bộ tiến trình thời điểm chủ yếu sau này trong kế hoạch của Thiên Chúa, tuy chi tiết của giao ước không được cho biết hoàn toàn ngay từ đầu.
2. Các điều khoản của giao ước
Khi ký kết giao ước và thực hiện các lời hứa với Israel, Thiên Chúa cũng đặt ra những điều kiện mà Israel sẽ phải tuân giữ. Các bản văn được sắp xếp không thứ tự trong Ngũ thư cung cấp nhiều cách trình bày các điều khoản chúng gắn với điều ước và làm thành Luật. Điều khoản đầu tiên liên quan đến việc thờ kính duy chỉ Giavê và việc cấm thờ tượng thần (Xh 20,3; Đnl 5,7). Chối bỏ các cam kết và giao ước với dân ngoại phát sinh ngay lập tức (cf Xh 23, 24; 34,12-16). Thế nhưng việc này xảy đến sau khi Israel phải chấp nhận tất cả thánh ý Thiên Chúa chúng bao phủ một mạng lưới chặt chẽ các điều quy định lên toàn bộ sự sinh tồn của Israel: “Ông Môisen đã trình bày tất cả những gì Giavê truyền cho ông. Vì vậy toàn dân đáp lại: ‘Tất cả những gì Giavê đã nói, chúng tôi sẽ tuân giữ” (Xh 19,7). Lời cam kết thật long trọng, và việc tôn trọng cam kết ấy sẽ mãi mãi quyết định số phận lịch sử của Israel. Dân của Giavê là nơi giao nhau của mọi nẻo đường. Nếu dân ấy vâng phục, nó sẽ được bảo đảm những lời chúc phúc của Chúa; nếu nó chối bỏ lời nó nói thì tất nhiên sẽ phải nhận sự trừng phạt (cf Xh 23,20-33).
3. Ký kết giao ước
Bản văn khó hiểu của sách Xuất Hành giữ lại hai nghi thức khác biệt của việc ký kết giao ước. Trong nghi thức thứ nhất, Môisen, Aaron (A-rôn) và các trưởng lão của Israel dự bữa tiệc thánh có sự hiện diện của Giavê Đấng họ chiêm ngắm (Xh 24,1.9). Nghi thức thứ hai có vẻ sao lại một truyền thống phụng tự được lưu tồn trong các đền đài phía bắc. Môisen giơ cao mười hai tấm bia dành cho mười hai chi tộc và một bàn thờ để hiến tế. Ông dâng các vật hiến tế, vảy một phần máu lên bàn thờ và lên dân chúng, để đánh dấu mối liên kết nó thắt chặt Israel với Đấng Giavê. Do vậy, dân chúng cam kết một cách long trọng tuân giữ những điều giao ước (Xh 24,3-8). Máu của giao ước đóng một vai tròn quan trọng trong nghi lễ này.
Một lần quy định được ký, rất nhiều điều sẽ lưu truyền kỷ niệm việc ký kết ấy, chứng nhận cho mai sau biết cam kết ban đầu của Israel. Hòm bia giao ước là một cái hộp mà trong đó “những tấm bảng Lời Chứng” (nghĩa là Lề Luật) được cất giữ; nó là tượng đài giao ước và là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Israel (Xh 25,10-22; Nb 10,33-36). Ngôi lều đặt hòm bia ấy, phác thảo trước Ngôi Đền Thờ sau này, là nơi gặp gỡ giữa Giavê và dân Ngài (Xh 33,7-11). Hòm bia giao ước và Ngôi Lều hội ngộ ghi dấu nơi thờ kính quan trọng, là nơi liên minh các bộ tộc bày tỏ với Giavê lòng tôn kính chung của dân Ngài đã chọn, không kể đến những nơi thờ kính khác. Từ nơi này sẽ đánh dấu mối liên hệ đời đời giữa tín ngưỡng của Israel và hành động ban đầu nhằm thiết lập một dân tộc: giao ước trên núi Sinai. Chính mối liên hệ này đem lại cho các nghi lễ của Israel ý nghĩa đặc biệt bất kể những vay mượn mà người ta đã để lại; cũng vậy, Luật có ý nghĩa chỉ khi thích ứng giao ước mà qua đó Luật nêu ra các điều khoản.
4. Ý nghĩa và giới hạn của giao ước Sinai
Giao ước Sinai đã nêu ra cách xác định một khía cạnh trọng yếu của chương trình cứu độ: Thiên Chúa muốn gắn bó với con người đồng thời xây dựng từ họ một cộng đồng tín ngưỡng nhằm dâng hiến phụng sự Ngài, chịu sự quản lý bởi Luật của Ngài, đón nhận lời hứa của Ngài. Tân ước sẽ thực hiện đầy đủ kế hoạch này của Thiên Chúa. Trên núi Sinai, việc thực hiện bắt đầu nhưng nó vẫn còn nhiều mối quan tâm mơ hồ và thiếu hoàn hảo. Mặc dù giao ước là món quà tự do của Thiên Chúa dành cho Israel, nhưng hình thức theo bản hợp đồng của giao ước dường như nối liền chương trình cứu độ với số phận lịch sử của Israel, và nó có nguy cơ biến sự cứu độ thành phần thưởng dành cho sự trung thành của nhân loại. Vả lại, sự giới hạn của giao ước chỉ nơi một dân tộc khó dung hòa với kế hoạch phổ quát của Thiên Chúa, nếu rõ ràng được khẳng định nữa. Cuối cùng, việc được mất tạm thời của những lời hứa Thiên Chúa (hạnh phúc trên đời của Israel) cũng có cơ nguy che đậy mục đích thiêng liêng của giao ước: sự thành lập triều đại Thiên Chúa ở Israel, và qua Israel trên khắp thế giới. Mặc cho những giới hạn này, giao ước Sinai sẽ chi phối cuộc sống kế tiếp của Israel và sự khai triển mặc khải sau này.
II. GIAO ƯỚC TRONG CUỘC SỐNG VÀ TƯ TƯỞNG CỦA ISRAEL
1. Làm mới lại giao ước
Có lẽ cần thận trọng khi khẳng định rằng trong tín ngưỡng của Israel, giao ước được ký kết lại mỗi năm. Tuy nhiên, sách Đệ nhị luật còn lưu lại những đoạn về một nghi lễ nó giả thiết một sự làm mới lại loại giao ước này bằng việc công bố những nghi thức chúc dữ (Đnl 27,2-26) và việc đọc lại Lề Luật cách long trọng (Đnl 31,9-13.24-27; 32,45); ở điểm sau thì được dự kiến chỉ mỗi bảy năm (31,10) và thực hành việc ấy ở thời kỳ cổ đại thì không thể xác minh được. Dễ dàng nhận thấy hơn sự ký kết lại giao ước ở một vài khúc quanh quan trọng của lịch sử. Josue (Giô-su-ê) đã ký lại giao ước ở Sichem (Si-xem) và dân chúng lại cam kết hướng về Giavê (Gs 8,30-35;24,1-28). Việc lập giao ước của Đavit với các bậc trưởng lão Israel đến sau lời hứa của Thiên Chúa: Giavê đã ký kết giao ước với Đavit và triều đại của ông (Tv 89,4.20-38); cf 2S 7,8-16; 23,5), chỉ với điều kiện là trung thành tuân giữa giao ước Sinai (Tv 89,31; 132,12; cf 2S 7,14). Lời cầu nguyện và chúc phúc của vua Salomon khi khánh thành Đền Thờ thỉnh thoảng cũng liên hệ tới giao ước này của Đavit và giao ước Sinai, mà qua đó ngôi đền được bảo tồn như đài kỷ niệm (1V 8,14-29.52-61). Cũng vậy đối với các sự đổi mới dưới thời Joas (2V 11,17) và nhất là dưới thời Josias, vốn theo nghi thức của sách Đệ nhị luật (2V 23,1’cf Xh 24,3-8). Việc Esdras (Ét-ra) đọc lại Lề Luật cách long trọng đã trình bày một bối cảnh hoàn toàn tương tự (Nkm 8). Do vậy, tư tưởng của giao ước nằm ở ý tưởng chủ đạo mà từ nền tảng nó phục vụ cho tất cả cải cách tôn giáo.
2. Suy nghĩ của tiên tri
Thông điệp của các tiên tri luôn luôn phản ánh điều này. Nếu họ nhất trí lên án sự bất trung của Israel đối với Thiên Chúa, nếu họ loan báo những thảm họa chúng răn đe dân chúng tội lỗi, thì tức là thuận theo giao ước Sinai, những đòi hỏi và sự chúc dữ của giao ước ấy mà qua đó nó ghép thành. Thế nhưng để giữ cho những điều của giao ước sống động trong tinh thần của người đương thời, các tiên tri phải làm xuất hiện những khía cạnh mới mà truyền thống xưa chỉ chứa đựng ở tình trạng tiềm tàng. Ban đầu, giao ước phần lớn được trình bày dưới khía cạnh pháp luật: một quy định giữa Giavê với dân Ngài. Các tiên tri đã thêm vào giao ước ấy những lời tình cảm đồng thời tìm kiếm nơi kinh nghiệm nhân loại những điều tương tự khác để diễn tả mối quan hệ lẫn nhau giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Israel là đàn chiên còn Giavê là chủ chiên. Israel là cây nho còn Giavê người trồng nho. Israel là con còn Giavê là Cha. Israel là tân nương còn Giavê là tân lang. Những hình ảnh này, nhất là hình ảnh sau cùng, làm cho giao ước Sinai xuất hiện như một hành động yêu thương (cf Ed 16,6-14): đó là tình yêu ân cần và ban tặng nhưng không từ Thiên Chúa; một tình yêu gọi như thế sẽ được dịch thành sự vâng phục. Giá trị tinh thần của sách Đệ nhị luật gặt hái được hoa trái nhờ sự đào sâu này: nếu nó nhắc lại không ngừng những yêu cầu, những lời hứa và các răn đe của giao ước, thì tức nó nhấn mạnh hơn đến tình yêu của Thiên Chúa (Đnl 4,37; 7,8; 10,15) đang chờ tình yêu của Israel (Đnl 6,5;10, 12; 11,1). Đó là tấm phông mà trên nó mẫu thức nền tảng của giao ước bị tháo bỏ: “Các ngươi là dân ta và ta là Chúa của các ngươi”.
3. Những điểm chung của lịch sử thánh
Tương tự với giáo huấn của các tiên tri, suy nghĩ của các thánh sử về quá khứ của Israel có điểm khởi đầu dành cho những điều của giao ước. Người theo truyền thống Giavê đã nối kết giao ước Sinai với giao ước xưa nhất được Abraham ký kết, tức khung cảnh của những lời hứa ban đầu (St 15). Các luật sĩ theo truyền thống tác giả sách Đệ nhị luật, trong khi viết lại lịch sử đã xảy ra từ thời Môisen đến ngày Giêrusalem bị phá hủy, chỉ có mục đích khác là làm nổi bật nơi các sự kiện ấy việc thi hành giao ước Sinai: Giavê đã hoàn thành các lời hứa của Ngài; thế nhưng sự bất trung của dân Ngài đã buộc Ngài phải bắt họ chịu sự trừng phạt đã được báo trước. Đó là ý nghĩa của sự phá hủy hai thành Samari (2V 17,7-23) và Giêrusalem (2V 23,26). Suốt thời kỳ bị tù đày, khi sử gia theo truyền thống tư tế thuật lại kế hoạch của Thiên Chúa từ lúc tạo dựng đến thời kì Môisen, giao ước của Chúa dùng làm sợi chỉ xuyên suốt cho họ: sau thất bại đầu tiên của chương trình tạo dựng do thảm họa Đại hồng thủy, giao ước Nô-e giữ một vị trí rộng lớn phổ quát (St 9,1-17); sau thất bại thứ hai do sự hỗn loạn của tháp Babel, giao ước Abraham đã giảm kế hoạch của Chúa xuống chỉ cho một dòng dõi thừa tự (St 17,1-14); sau thử thách ở Ai Cập, giao ước Sinai chuẩn bị tương lai đồng thời thiết lập dân của Chúa. Do vậy Israel hiểu ý nghĩa lịch sử của họ trong khi viện đến giao ước Sinai.
III. HƯỚNG ĐẾN GIAO ƯỚC MỚI
1. Sự đứt đoạn của giao ước xưa
Các tiên tri đã không chỉ đào sâu những điều của giao ước đồng thời nhấn mạnh các mối liên quan đến giao ước Sinai. Hướng cái nhìn về tương lai, họ đã trình bày một cách tổng thể thảm họa của dân Chúa, những người bám chặt quanh Ngài. Bởi sự bất trung của Israel (Gr 22,9), giao ước xưa được xem như hủy bỏ (Gr 31,32), giống như hôn nhân bị tháo bỏ do sự ngoại tình của vợ (Hs 2,4; Ed 16,15-43). Thiên Chúa đã không chủ xướng việc cắt đứt này, nhưng Ngài rút ra những hậu quả của nó: Israel sẽ phải chịu sự trừng phạt trong suốt lịch sử do sự bất trung của nó; đây sẽ là ý nghĩa của những thử thách dành cho dân tộc Israel: Giêrusalem bị phá hủy, lưu đày, phân tán.
2. Lời hứa giao ước mới
Mặc cho tất cả những điều đó, kế hoạch giao ước được Thiên Chúa mặc khải luôn tồn tại không đổi thay (Gr 31,35; 33,20). Vì vậy theo thời gian sẽ có một giao ước mới. Hôsê nhắc đến giao ước này dưới những đặc điểm của hôn ước mới mà tân nương sẽ có, đó là tình yêu, sự công chính và lòng trung thành, sự hiểu biết Thiên Chúa, và chúng sẽ tái thiết lập hòa bình giữa con người và toàn thể vũ trụ (Hs 2,20-24). Tiên tri Giê-rê-mi-a đã nói rõ rằng lòng dạ con người sẽ thay đổi vì Luật của Chúa sẽ khắc vào tâm khảm chúng (Gr 31,33; 32,37-41). Tiên tri Ê-dê-ki-en thì loan báo việc ký kết một giao ước vĩnh cửu, một giao ước an bình (Ed 36,26) nó sẽ làm mới lại giao ước Sinai (Ed 16,60) và giao ước Đavit (34,23) và nó sẽ làm thay đổi bao quả tim nhờ ơn Thánh Thần Thiên Chúa (36,26). Do vậy, chương trình đã hoạch định từ xưa sẽ thành hiện thực: “Các ngươi sẽ là dân Ta và Ta sẽ là Chúa của các ngươi” (Gr 31,33; 32,38; Ed 36,28; 37,27).
Trong Lời ủi an, giao ước cánh chung này lấy lại những đặc điểm hôn lễ của Giavê và Giêrusalem mới (Is 54): giao ước không thể thay đổi giống như giao ước đã được thề hứa với Nô-e (54,9), giao ước được thực hiện nhờ ơn hứa ban cho Đavit (55,3). Về mặt kiến tạo, giao ước này có Người Tôi Tớ huyền diệu mà Giavê đã thiết lập “giao ước của dân và làm ánh sáng muôn nước” (42,6; 49,6). Do đó, cách nhìn này được phổ biến rộng rãi. Kế hoạch giao ước nó chi phối toàn bộ lịch sử nhân loại sẽ tìm thấy đỉnh cao nhất của nó qua dòng thời gian. Được tỏ bày cách không hoàn hảo trong giao ước kế thừa cha truyền, giao ước Môisen, Đavit, cuối cùng nó trở thành hiện thực dưới hình thức hoàn hảo, vừa bên trong đồng thời vừa phổ biến, bởi Người Tôi Tớ trung gian của Giavê. Vì vậy, lịch sử Israel sẽ tiếp tục theo dòng chảy của nó. Căn cứ vào giao ước Sinai, những giáo huấn của người Do Thái sẽ mang tên là Giao ước thánh (Đn 11,28). Tuy nhiên, lịch sử này thực vậy sẽ quay hướng về tương lai, về Giao ước mới, về Tân ước.
Tân ước
Khi sử dụng từ diathèkè để dịch từ berith tiếng hébreu, bản dịch Cựu ước bằng tiếng Hy lạp của nhóm 70 dịch giả (Septane) đã làm một sự lựa chọn rất ý nghĩa nó có ảnh hưởng đáng kể đến từ vựng của Kitô hữu. Trong ngôn ngữ luật thời kỳ Hy Lạp hóa, từ này mô tả hành động qua đó một ai đấy tùy ý sử dụng tài sản của mình (di chúc) hay tuyên bố quyền sử dụng mà anh ta muốn để lại. Giọng điệu ít mang lý lẽ của thỏa thuận luật pháp hơn là quyền của người quyết định tín nhiệm điều gì đó. Trong khi sử dụng từ ngữ này, các dịch giả Hy lạp đồng thời cũng nhấn mạnh tính siêu việt của Thiên Chúa và sự ban ơn nó là nguồn gốc của dân Israel và Luật của họ.
I. ĐỨC GIÊSU KÝ KẾT GIAO ƯỚC MỚI
Từ diathèkè mô tả ở bốn đoạn văn bữa tiệc ly, trong một bối cảnh đặc biệt quan trọng. Sau khi cầm lấy bánh phân phán và nói: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”, Đức Giêsu cầm lấy chén rượu, chúc tụng và trao cho các môn đệ. Công thúc ngắn gọn nhất được ghi lại ở phúc âm Máccô: “Này là máu Ta, máu giao ước đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24); thánh Matthêu thì thêm vào “để tha cho kẻ tội lỗi” (Mt 26,28). Thánh Luca và thánh Phaolô thì ghi: “Chén này là giao ước mới được thiết lập bằng máu thầy” (Lc 22,20; 1Cr 11,25), và chỉ có thánh Luca ghi: “máu sẽ đổ ra vì anh em”. Việc trao truyền chén rượu là một cử hành nghi lễ. Những lời được phán ra đã nối kết cử chỉ đó với hành động mà Đức Giêsu sắp hoàn tất: cái chết của Ngài được chấp nhận cách tự do nhằm cứu chuộc muôn dân.
Người ta nhận thấy ở điểm cuối cùng này rằng Đức Giêsu tự nhìn nhận như Người Tôi Tớ đau khổ (Is 53,11) và hiểu cái chết của Ngài như hy tế chuộc tội (cf 53,10). Bởi đó mà Ngài trở thành Đấng trung gian của giao ước mà Sứ Điệp an ủi đã thoáng thấy trước (Is 42,6). Thế nhưng “máu giao ước” cũng nhắc lại rằng giao ước Sinai đã được ký bằng máu (Xh 24,8): những hiến tế con vật sẽ được thay thế bằng một hiến tế mới mà máu của nó thực hiện cách hiệu quả mối liên kết rõ ràng giữa Thiên Chúa và con người. Do vậy, lời hứa về “giao ước mới” được Giê-rê-mi-a và Ê-dê-ki-en loan báo đã hoàn thành: nhờ máu của Đức Giêsu, lòng dạ con người sẽ thay đổi và họ sẽ được ban Thánh Thần Thiên Chúa. Cái chết của Đức Kitô, đồng thời cũng là hiến tế Vượt Qua, hiến tế của giao ước và hiến tế cứu độ, sẽ dẫn đến sự hoàn thành những hình ảnh của Cựu ước chúng mô tả sự kiện này bằng nhiều cách. Và vì hành động này sẽ được ghi nhớ trong việc cử hành nghi lễ mà Đức Giêsu đã truyền “lặp lại để tưởng nhớ đến Ngài”, thì bằng sự tham dự thánh lễ được thực hiện với đức tin, những người trung thành sẽ tụ họp với nhau từ cách thân thiết nhất đến mầu nhiệm của giao ước mới và họ sẽ lãnh nhận nhiều ân sủng của Ngài.
II. SUY NGHĨ CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU VỀ GIAO ƯỚC MỚI
1. Thánh Phaolô
Được chính Đức Giêsu đặt vào trung tâm nghi lễ của người Kitô hữu, chủ đề giao ước nằm ở phần sau của Tân ước dù nó không được chú thích rõ ràng. Với lý lẽ phản bác lại những Kitô hữu chủ trương giữ luật Do Thái họ giữ việc tuân thủ Luật, dù cần thiết, được ghi trong giao ước Sinai, thánh Phaolô nói rằng trước khi có Luật thì đã có một sự sắp đặt khác (diathèkè) của Thiên Chúa được loan truyền: lời hứa với Abraham. Luật không thể hủy bỏ sự sắp đặt này. Hơn nữa Đức Kitô là sự hoàn thành Giao Ước (Ga 3,15-18). Chính vì nhờ tin vào Ngài mà được ơn cứu độ chứ không phải việc tuân giữ Luật. Cách nhìn về những điều này nhấn mạnh một sự kiện: giao ước cũ đã được lồng vào kế hoạch nhưng không, kế hoạch của lời hứa mà Thiên Chúa đã tự do thiết lập. Tân ước là điểm thành tựu của kế hoạch này. Thánh Phaolô không có ý nói rằng “sự chuẩn bị” này được đặt nền tảng trên giao ước Sinai nó đến từ Thiên Chúa: “những giao ước” được làm mới lại là một trong những đặc quyền của Israel (Rm 9,4), mà đến lúc ấy các dân tộc còn là xa lạ (Ep 2,12). Tuy nhiên khi người ta đặt sự chuẩn bị này song song với sự chuẩn bị mà Thiên Chúa đã mặc khải nơi Đức Kitô, thì họ sẽ thấy sự vượt trội của giao ước mới trên giao ước cũ (Ga 4,24; 2Cr 3,6). Trong giao ước mới, tội lỗi sẽ bị xóa bỏ (Rm 11,27); Thiên Chúa cư ngụ giữa con người (2Cr 6,16); Ngài sẽ biến đổi tâm hồn con người và đặt vào lòng họ Thần Khí của Ngài (Rm 5,5; cf 8,4-16). Vì vậy đây không còn là giao ước bằng chữ nhưng là giao ước của Thánh Thần (2Cr 3,6) nó đem đến tự do cho con cái Chúa (Ga 4,24). Giao ước này đến với các dân tộc như dân Israel, vì máu của Đức Kitô đã đổ ra để quy tụ mọi người (Ep 2,12). Khi lấy lại những bối cảnh giao ước của các tiên tri, mà ngài đã thấy hoàn thành nơi Đức Kitô, thánh Phaolô cũng phác thảo một bảng tổng quát về lịch sử nhân loại trong đó chủ đề giao ước làm thành sợi chỉ xuyên suốt.
2. Thư gửi tín hữu Do thái
Với một quan điểm hơi khác, thư gửi tín hữu Do thái đã đưa ra một luận đề so sánh các yếu tố giống nhau. Bằng thập giá, Đức Kitô-Tư tế đã đi vào đền thánh thiên quốc. Ngài ở đó đến muôn đời, trước mặt Thiên Chúa, can thiệp giùm cho chúng ta và mở ra mối kết hiệp giữa chúng ta với Ngài. Do vậy giao ước mới được tiên tri Giê-rê-mi-a loan báo đã thành hiện thực (Dt 8,8-12; Gr 31,31-34); một giao ước “tốt hơn” nhờ phẩm chất cao quý nhất của Đấng trung gian (Dt 8,6; 12,24); một giao ước được ghi dấu bằng máu như là giao ước đầu tiên (Dt 9,20; Xh 24,8), không còn là máu của các con vật, nhưng chính máu của Đức Kitô đổ ra để cứu chuộc chúng ta (9,11). Việc sắp đặt giao ước mới này đã được chuẩn bị từ giao ước thứ nhất, nhưng nó làm cho giao ước này trở nên cũ, và thật vô ích khi bám dính vào điều gì đó sẽ biến mất (8,13). Cũng giống như việc để lại di chúc chỉ có hiệu lực khi người làm di chúc đã chết, cái chết của Đức Giêsu đã đem lại cho chúng ta quyền sở hữu gia tài đã được hứa ban (Dt 9,15). Giao ước xưa đã không đầy đủ vì nó tự gắn chặt vào hình với bóng chúng chỉ cam kết cách thiếu trọn vẹn việc gặp gỡ của con người với Thiên Chúa. Trái lại, giao ước mới thì hoàn hảo vì Đức Giêsu, Vị Tư Tế Cao Cả của chúng ta, đã bảo đảm mãi mãi cho chúng ta có thể tiếp xúc với Thiên Chúa (Dt 10,1-22). Xóa bỏ mọi tội lỗi, kết hiệp con người với Thiên Chúa: đó là hoa trái mà Đức Giêsu Kitô đã đạt được, Đấng “bằng máu giao ước vĩnh cửu đã trở thành Vị Chủ Chăn Tốt Lành của đàn chiên” (Dt 13,20).
3. Các đoạn văn khác
Không cần phải trích dẫn rõ ràng Cựu ước, những sách khác của Tân ước nhắc lại những hoa trái của thập giá Đức Kitô nơi những cách diễn đạt chúng nhắc lại chủ đề giao ước. Hơn Israel ở núi Sinai, chúng ta được trở thành “tư tế vương giả và dân thánh” (1Pr 2,9; cf Xh 19,5). Sự ưu đãi này bây giờ mở rộng thành một cộng đồng mà mọi người thuộc “mọi chủng tộc, ngôn ngữ, dân tộc hay quốc gia” (Kn 5,9) đều là thành phần của nó. Mặc dù ở nền tảng việc thực hiện giao ước mới còn mang những giới hạn. Do vậy cần phải chiêm nghiệm giao ước này trong viễn cảnh cánh chung của thành thánh Giêrusalem: trong “chỗ trú tạm Thiên Chúa ở với con người”, “họ sẽ là dân của Ngài, và Ngài sẽ là Thiên Chúa của họ, Thiên-Chúa-ở-cùng-họ” (Kn 21,3). Giao ước mới sẽ được hoàn thành trong hôn lễ của Con Chiên và của Giáo Hội, hiền thê của Con Chiên (Kn 21,2.9).
Theo ngôn ngữ phát triển của giáo lý, chủ đề giao ước cũng ăn khớp với tất cả những ai, từ Cựu ước đến Tân ước, đã phục vụ nhằm xác định những tương quan của Thiên Chúa với con người. Để làm nổi bật nội dung của chủ đề này, cần phải nói về lòng hiếu thảo, tình yêu, hiệp nhất. Nhất là phải tự thể hiện nơi hành động mà bởi đó Đức Giêsu đã thiết lập giao ước mới: bằng sự hiến mình đổ máu, Ngài đã kết hợp con người trở thành Thân Thể của Ngài. Cựu ước chưa hề biết đến tặng ân này của Thiên Chúa; tuy nhiên lịch sử và những cơ chế của nó đã phác họa cách mơ hồ những đặc điểm của ơn ban đó, bởi vì tất cả đều đã liên quan đến giao ước giữa Thiên Chúa và con người.
Tác giả Nguyễn Trí Dũng
Nguồn:
dunglac.org